Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP. Hồ Chí Minh năm 2025
(Hochiminhcity.gov.vn) – UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP. Hồ Chí Minh năm 2025.

Kế hoạch nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan đến quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ; theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.
Kế hoạch cũng nhằm đào tạo, bồi dưỡng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo đặc thù nghề nghiệp, lĩnh vực công tác như: kiến thức và kỹ năng chuyên ngành thanh tra, nội vụ, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, công tác xã hội và người có công, tiếp công dân, quản lý tài chính; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng, thực hiện đô thị thông minh và chính quyền đô thị; kiến thức, năng lực hội nhập quốc tế và các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ khác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tăng cường chọn lọc nội dung, đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức và theo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Thành phố, qua đó đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố năm 2025 tập trung thực hiện những nhiệm vụ như: Đào tạo, bồi dưỡng trong nước; Bồi dưỡng ở nước ngoài; Triển khai Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của Thành phố Hồ Chí Minh và Đề án Đào tạo bồi dưỡng kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản trị tiên tiến, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hồ Chí Minh theo các chỉ tiêu đề ra ...
Đối tượng được đào tạo bồi dưỡng bao gồm: Cán bộ, công chức đang làm việc tại các sở - ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận - huyện, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố; cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn (gọi tắt là cán bộ, công chức); Viên chức đơn vị sự nghiệp; Một số đối tượng khác (người lao động ở tổng công ty, công ty nhà nước, hội đặc thù,…) theo nhu cầu của Thành phố.
Về giải pháp thực hiện, UBND Thành đưa ra các giải pháp trọng tâm chính như: Tăng cường nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm; Tăng cường quan hệ hợp tác với các lãnh sự quán nước ngoài tại Thành phố để tranh thủ nguồn tài trợ học bổng, kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố. Tổ chức tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các mô hình đào tạo, bồi dưỡng ở các địa phương trong và ngoài nước.
Cùng với những giải pháp trên là thực hiện cơ chế cạnh tranh trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; cải tiến, đổi mới chất lượng tài liệu, chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn và điều kiện của Thành phố; Thực hiện việc sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đúng theo quy định.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị được yêu cầu thường xuyên rà soát tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn.
Trong quá trình thực hiện, UBND Thành phố yêu cầu nếu có khó khăn, vướng mắc, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo UBND Thành phố (thông qua Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo - Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết.
Thanh Mai
Từ khoá
Bình luận